26/6/14

Kiến thức cha mẹ cần biết khi cho con đi du lịch biển

Mùa hè là thời điểm nhiều gia đình cho con đi du lịch biển. Do không lường hết được mối nguy hiểm, cho nên các em thỏa sức bơi lội, rất dễ xảy ra tình trạng đuối nước. Ðây là tiếng chuông báo động các bậc làm cha mẹ cần hết sức quan tâm, quản lý chặt chẽ con em mình để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Để con có một chuyến đi du lịch biển được khỏe mạnh và an toàn, cha mẹ cần có những kiến thức nhất định để chuyến đi của cả nhà thành công.

Những điều cần lưu ý
Các mẹ luôn bám sát trẻ khi tắm biển
Ở nước ta trong những năm qua cứ mỗi thời điểm hè đến lại có nhiều trường hợp bị tại nạn đuối nước thương tâm xảy ra do đi tắm biểm hay đi tắm ở ao hồ, sông suối… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước: do không biết bơi, bơi ở những khu vực nguy hiểm, xa bờ, mực nước lớn, độ sâu cao, những nơi không có biển báo an toàn; tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, bị co rút cơ chân khi đang bơi.
Theo lời khuyên của bác sĩ Đặng Văng Nguyên, để cho con đi du lịch biển an toàn, cha mẹ cần phải có những kỹ năng nhất định. Khi cho con đi du lịch biển hay đến các nơi có vùng sông suối, người lớn phải luôn kiểm soát con. Hãy chỉ cho trẻ chơi ở những nơi gần bờ, có cha mẹ bên cạnh giữ phao bơi. Nhiều người thường chủ quan để con tự dùng phao, điều này rất nguy hiểm vì trẻ sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào dẫn đến những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Tránh bị nhiễm lạnh khi con tắm biển
Thêm một lưu ý nữa là trẻ con rất thích nghịch nước, nhưng cha mẹ không nên cho con tắm biển quá lâu. Để một đứa trẻ chơi đùa với nước biển và phơi mình trước gió biển 3-4 tiếng là không nên. Nhìn chung với trẻ nhỏ không nên tắm biển quá 2 tiếng liên tiếp. Bởi không gian trên biển rất thoáng nên kèm theo gió rất to. Đó là yếu tố khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh khi ở trên bờ và khi tắm nông (khu vực gần bờ, hở người).
Với trẻ nhỏ đi tắm biển, cha mẹ nên mặc đồ bơi kín đáo cho trẻ. Khi tắm xong lên bờ không để trẻ vẫn mặc đồ ướt chạy chơi trên cát, tốt nhất hãy lau khô người, thay đồ khô cho bé. Khi người khô, trẻ có thể chạy nhảy, nô đùa trên biển mà không nhiễm lạnh. Ngoài ra, bạn nên dùng nước ngọt xối rửa thật kỹ cho sau khi tắm biển, nếu không chất muối đọng lại trên da sẽ làm cho da trẻ bị khô. Sau khi tắm, nên nhỏ mắt cho bé bằng nước muôi sinh lý để giảm tác dụng kích thích của nước biển. 
Sau khi bé tắm biển, mẹ nên thay quần áo khô cho con trước khi bé lên bờ đi dạo để tránh bị nhiễm lạnh.Không ít trường hợp bé bị dị ứng với đồ hải sản, vì thế, mẹ nên cẩn thận vấn đề ăn uống khi cho bé đi du lịch biển. Đặc biệt, nên tránh những loại chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kình, cá kiếm, cá ngừ, cá thu lớn.
Để bảo đảm được trẻ tránh những bệnh tật không đáng có thì trước khi bạn có dự định cho con đi du lịch biển ở trong nước hay nước ngoài, bạn nên chắc chắn con mình đã được tiêm phòng đầy đủ.
Để con không bị say nắng
Ngoài nguy cơ nhiễm lạnh vì tắm biển lâu thì nguy cơ say nắng cũng cần cảnh báo bởi thực tế nhiều trẻ đã bị say nắng khi đi biển.
Các mẹ có thể chống say nắng cho bé bằng cách trước khi đi biển, mẹ nên cho bé bổ sung một đợt vitamin A, vitamin E tùy theo tuổi và theo chỉ định của bác sĩ, việc này giúp chống lại tình trạng say nắng, say nóng và dị ứng khi đi biển.
Ngoài ra, để đề phòng say nắng, say nóng, mẹ cần cho con đội mũ khi đi ra nắng, mặc quần áo thoáng mát, che được gáy. Tuyệt đối không cho trẻ tắm biển giữa trưa, chơi đừa trên cát vào thời điểm nóng đỉnh điểm từ 11h trưa đến 3h chiều. Không nên đi ra ngoài ở thời điểm nắng cao điểm. Đặc biệt, cần lưu ý cho con uống đủ nước, uống nước liên tục, từng ít một ngay cả khi không thấy khát.

Cách sơ cứu khẩn cấp nếu con gặp tại nạn khi đi du lịch biển
Cũng theo bác sĩ Nguyên, việc cha mẹ nắm vững một chút kiến thức sơ cấp cứu ban đầu về tai nạn đuối sẽ rất hữu ích khi cả nhà đi biển.
Nếu phát hiện trẻ bị rơi ngã xuống nước, cần kêu gọi mọi người đến cứu vớt, bằng mọi cách đưa trẻ lên bờ và kích thích tim, phổi hoạt động trở lại.
Hà hơi thổi ngạt cấp cứu trẻ bị đuối nước.
Trước hết, kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người trẻ để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu trẻ ngừng thở, cần hà hơi thổi ngạt và ấn tim bằng cách: đặt trẻ nằm ngửa, lấy tay bịt mũi, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài, làm lại liên tiếp hai lần. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần cho đến khi có nhân viên y tế hoặc phương tiện đưa người bị nạn đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.
Còn khi có trẻ say nắng, say nóng, cần đưa ngay trẻ ra khỏi môi trường nóng càng sớm càng tốt, cho trẻ nằm ở nơi thoáng gió, quạt mát, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát thông thường, khi trẻ tỉnh thì cho uống oresol pha theo đúng tỉ lệ hướng dẫn. Nếu trẻ có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì phải chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, phải tiếp tục chườm lạnh, để trẻ nằm đầu nghiêng.
Theo Trí thức trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét